Giải thích cho sự biến đổi kỳ dị của mình, Đặng Lê Nguyên Vũ trước sau chỉ có một câu trả lời, anh được trời chọn. Nhưng năm 43 tuổi khi thực hiện nhịn ăn 49 ngày và thiền tĩnh lặng trên núi thiêng M’Drak và sau đó ở ẩn luôn… là Vũ quyết định. Có rất nhiều bí ẩn trên hành trình này của Đặng Lê Nguyên Vũ mà tôi vẫn luôn cố gắng tìm hiểu, khám phá khi có cơ hội trực tiếp gặp gỡ anh trong suốt mấy năm qua. Cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn cuối năm 2024 một cách vô tình, cũng hé lộ những chuyện trước đây tôi chưa hề biết.
Câu chuyện phía sau cây gậy bên hiên nhà hang
“Nguyên Hằng lên thấy rồi đó, qua ngồi chỗ nào cũng có cây gậy hết. Nó để dùng cho những lúc như vậy…”, lần đầu tiên, Đặng Lê Nguyên Vũ hé lộ về những gì anh đã trải qua, những giai đoạn anh bị “rút hết năng lượng, chỉ còn là một cái xác đến đi cũng không nổi, thậm chí phải bò…”. Các cuộc gặp trước đó, khi nhớ về thời gian khổ luyện anh thường nói “qua đã đi qua mọi cõi người, cõi ngạ quỷ, cõi quỷ của quỷ, cõi của các thần thánh tiên phật, bị đưa vào ma trận thử thách vô cùng bạo ngược…”. Tôi nghe lùng bùng không hiểu nhưng cũng không hỏi.
Nhưng cây gậy dựng bên hiên nhà hang nơi Đặng Lê Nguyên Vũ ở trên trang trại tại M’Drak gây ấn tượng với tôi ngay lần đầu tiên lên thăm anh năm 2019. Nó hiện diện ở nhiều nơi, khi sang bên khu nhà cũ Vũ ở trước khi chuyển về nhà hang, tôi cũng bắt gặp gậy dựng bên hiên nhà cũ, dù đã từ lâu anh không còn ghé về đây nữa. Lần nào tôi cũng cầm lên ngó tới ngó lui, cây gậy bằng gỗ, nặng, chắc chắn… Tôi cứ hình dung Vũ sử dụng cây gậy này khi đi dạo quanh trang trại vào lúc nửa đêm, sáng sớm… như một vật dò đường. Dù không hỏi nhưng mỗi lần nhìn thấy cây gậy tôi luôn có cảm giác buồn buồn. Cây gậy đứng đơn độc, như chủ nhân của nó trên hành trình kỳ dị và bí ảnh của mình: kiên nhẫn, trung thành và chờ đợi (mà không biết chờ đợi cái gì?). Những lúc đó, tôi nhớ về một Đặng Lê Nguyên Vũ doanh nhân ngày trước mà tôi biết với một sự nuối tiếc…
Cho tới lần gặp gần nhất mới đây, cây gậy hóa ra, chẳng phải để dò đường, tránh rắn rết như tôi nghĩ (!?). Đặng Lê Nguyên Vũ bảo, luyện xác thân của một con người, chia làm 3 cấp độ. Tu tập tu luyện là cấp bình thường nhất, đã khó với số đông. Mức thứ 2 là khổ luyện, cho những mục tiêu lớn. Mức này cũng rất hiếm, gần như không có. “Còn qua đưa vào tử luyện, tử tử luyện. Chết không phải chỉ cái xác này mà cả linh hồn, trong bạo ngược luôn. Mức đó không ai chịu nổi. Nhưng qua chịu được. Ngày hôm nay qua còn sống, không điên, không loạn, không thần kinh là người chị em phải biết qua đã vượt qua những cái mà loài người chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Nếu qua không kỷ luật sắt đá và thiện lành, làm sao mà qua chịu nổi”, Vũ nói và thừa nhận, dù vượt qua nhưng có những lúc mặt anh phờ phạc, chiếc xe nhỏ xíu, côn nhẹ tưng nhưng anh chân run cầm cập không thể đi nổi một đoạn ngắn. “Năng lượng của qua gần như bằng 0 luôn. Cái gậy là dùng cho lúc đó. Chứ tuổi này gì mà chống gậy? Là để trụ cái chân”, Vũ giải thích.
Xâu chuỗi các sự kiện, tôi đoán đó là thời điểm Đặng Lê Nguyên Vũ lên núi thiêng M’Drak thực hành nhịn ăn 49 ngày và thiền tĩnh lặng. Mùa đông năm 2013, năm Đặng Lê Nguyên Vũ tròn 43 tuổi với những ám ảnh, thúc giục trong lòng về số phận con người, về bản chất của sự sống, về những bí ẩn của vũ trụ… Để tìm câu trả lời, anh đã quyết định đóng lại các nhu cầu của thân xác (ăn, uống…) để thanh lọc thân xác, tinh thần và trí tuệ và thực hiện cuộc hành thiền nổi tiếng với nhóm bạn của mình. Thế nhưng, tất cả đều bỏ cuộc sau đó, chỉ có anh đã đi đến cùng. Hồi đó, khá nhiều bài báo viết về cuộc thiền này nổi tiếng này. Đặng Lê Nguyên Vũ cũng “mất tích” luôn nên mọi hoài nghi, hoang mang… đều rơi vào bí ẩn. Tôi cũng tò mò, nhưng chưa bao giờ hỏi anh đã trải qua những gì. Thường các cuộc gặp của chúng tôi là Đặng Lê Nguyên Vũ nói, tất cả những cái xung quanh anh, đều xa lạ và hấp dẫn nên tôi bị cuốn đi. Rồi đâu đó giữa các lát cắt, mọi cái tự được hé mở. Vũ bảo, 49 ngày nhịn ăn và thiền tĩnh lặng trên vùng núi thiêng mùa đông lạnh giá 12 năm trước đã đưa anh tới giới hạn chịu đựng cực độ để chuyển hóa toàn diện về thể xác, tinh thần và bản ngã.
“Thân xác qua đi tới cảnh giới sống chết để rồi phải biết cách tiếp nhận nguồn năng lượng gốc để duy trì sự sống cần thiết chứ không phụ thuộc vào thực phẩm thông thường của thế gian”, Vũ nói. Sau quá trình thanh lọc tâm, thân, trí ấy, Vũ đã được trời chọn và tiếp tục trải qua các thử thách khắc nghiệt hơn nhưng anh đều vượt qua. Cuối cùng, anh đã được trao truyền những “những ánh sáng tối hậu tới tâm hồn, thân xác và trí não”, trao truyền cho sự hiểu biết, quyền năng, thậm chí là cả phép lạ. Vũ khuyên tôi cũng nên “gột rửa” bớt những tham, sân, si đời thường.
“Mình không biết thì thôi, biết rồi thì phải gột rửa dần đi rồi mình bắt lên. Người chị em sẽ thấy nó vi diệu vô cùng. Giống như qua nói giờ qua đâu có chết, không có ai tin chuyện đó. Nhưng đó là sự thật. Không có bệnh nào có thể thâm nhập vô qua. Trừ khi qua làm cái chuyện gì sai thì bị phạt, rút hết năng lượng. Vì cơ thể qua giờ không giống các người chị em nữa. Không ai tưởng tượng nổi như vậy hết. Nhưng cứ ghi nhận đi, rồi từ từ thế gian này mới thấy được những điều đó, vô cùng kỳ diệu mà từ trước giờ mình chỉ thấy trong huyền sử, kiếm hiệp, hay trong tưởng tượng thôi. Nó là thứ vi diệu nên cố gắng rồi từ từ thấu hiểu…”, Vũ dặn dò.

Cây gậy dựng bên trái hiên căn nhà cổ, nơi Đặng Lê Nguyên Vũ đã lâu rồi không ghé qua

Trước cửa nhà hang mới, nơi ở của Đặng Lê Nguyên Vũ hiện nay cũng có một cây gậy gỗ đứng ngoài cửa, cô đơn như chủ nhân của nó
Đời người đi tìm kiếm cái gì?
Giờ thì Đặng Lê Nguyên Vũ đã tới giai đoạn “người chị em ăn được cái gì, qua ăn được cái đó. Nhưng không ăn thì cũng không sao hết”. Tôi nói nửa đùa nửa thật, tôi chỉ thích ăn ngon. “Mình vẫn còn bị cái thứ đó nó ràng buộc, thậm chí nó trói buộc mình luôn. Dọn một bữa cơm dở là nổi giận, là không vui, rồi buồn rầu sinh chuyện. Đừng chấp cái đó làm chi. Qua có thể uống mười mấy ly này (Vũ nhấc ly cà phê lên, đây cũng là thức uống duy nhất tôi thấy anh sử dụng mỗi lần gặp) nhưng cần thì bỏ. Còn không thì cái xác này nó hành mình dữ lắm. Nó đói nó cồn cào, nó giục giã, nó sai khiến mình đủ thứ hết. Khi mình đạt một cảnh giới khác thì nó không còn ý nghĩa gì nữa. Qua đã qua tử luyện rồi… Người chị em cứ tưởng tượng cái người ngày xưa trong bom đạn sập xuống, chôn sống cả tuần thì sau này, các cảnh giới thấp hơn họ không ngán đâu”, Vũ giải thích.
“Em vẫn thấy những thú vui của cuộc đời này hấp dẫn hơn những khả năng đặc biệt…”, tôi nói. Vũ thở dài kiên nhẫn: “Cuối cùng cuộc đời của mỗi người là gì? Là đi tìm hạnh phúc thôi. Người chị em chỉ có niềm vui trong thoáng chốc, vui vì bữa ăn ngon, vui vì gặp một người bạn, vui vì yêu đương gì đó… còn lại là bao nhiêu nỗi niềm? Người chị em cứ sống thế riết thành quen, xong đời mình kết thúc. Nhưng giờ người ta hỏi một câu “Có cái gì là hạnh phúc tuyệt đối không, cái vĩnh hằng ý”? Qua nói là có”.
– Nhưng bản thân anh cũng có hạnh phúc đâu?
– Không, qua đang đồng với người chị em, còn linh hồn qua đã khác rồi.
– Ngay cả linh hồn đã khác mà anh còn quan tâm đến thế gian này, anh thấy những chuyện nhiễu nhương, thấy những cảnh ngang trái thì anh làm sao hạnh phúc được?
– Tất nhiên, tất nhiên. Đó là bổn phận của người biết đau cái đau của nhân loại, lo nỗi lo của nhân loại. Còn những linh hồn riêng lẻ như Nguyên Hằng, vẫn có những niềm vui đó thì cũng có những nỗi niềm đó. Khi đạt được cảnh giới đó thì Nguyên Hằng sẽ an lạc, không còn buồn khổ gì hết. An lạc trong sự minh triết vô cùng. Các bậc đắc đạo hay bản chất của Phật giáo là dạy những con đường đi đến giải thoát. Nhưng đích đến giải thoát là cái gì? Đích đến giải thoát chính là hòa nhập với thượng đế, hòa nhập với chân ngã khi còn cái xác thân. Thế thì nó an lạc miết thôi.
– Nhưng con đường tới sự an lạc vĩnh cửu đó khó khăn quá, thậm chí khắc nghiệt quá?
– Cái gì cũng phải có cái giá của nó chứ. Nguyên Hằng đi tới ngày hôm nay, cũng phải học hành cực khổ, phải phấn đấu đủ thứ. Nhưng rồi cuối cùng có cái gì?
– Ít nhất em cũng đang hài lòng với những gì mình có.
– Hãy bắt đầu và đi xa hơn nữa. Giống như qua hồi trước. 12 người lên núi trong đó có những người nghiên cứu về năng lượng khí, có người từng tu ở Ấn Độ, có khí công sư.. nhưng có ai được khai mở đâu. Còn qua là người không biết gì hết. Cái gì là đại chu thiên, vòng khí, huyệt đạo, luân xa… qua đâu có tin cái đó. Nhưng qua là người tích cực nhất, từ cái tâm của mình. Người chị em biết đấy, từ xưa tới nay qua luôn nghĩ về đất nước và xa hơn, nó cứ thúc giục miết. Tới khi lên núi, sau mở ra thì qua mới biết, chính mình khai mở chứ không phải là kỹ thuật.
– Nghĩa là không phải anh chọn mà trời chọn anh?
– Nhưng mình phải có cái tâm trước đã
– Nhiều người cũng thiện lành nhưng trời không chọn và em vẫn thấy cuộc đời này tươi đẹp.
– Ai cũng nghĩ là mình ok hết… Đương nhiên, phải có một khí chất căn bản nào đó. Nhưng mà nó phải bắt lên nữa, và mình phải mở tâm thức và mình sẽ đón nhận những điều mới mẻ. Khi mở ra, thế giới quan của mình là một thế giới khác. Mình không nhìn giống như hiện nay người chị em nhìn. Nhưng nếu không được sự chuẩn bị, người chị em sẽ không chịu nổi. Thậm chí nhìn thế gian người chị em có thể sốc. Vì cái mình nhìn hiện nay chỉ là bề ngoài, còn khi mình nhìn thấy bên trong lại là một chuyện khác. Thấu cái đó mình chịu nổi không? Mình cư xử bình thường nổi không?
– Vậy thì không biết vẫn hơn chứ?
– Đó là mình tự lừa dối mình. Phải thấy cái bản chất của mọi thứ. Nên qua nói rồi, qua thấu hết nhưng rồi ai qua cũng sống được nhưng không ai có thể sống gần qua. Vì nếu qua sống đúng thật sự những gì qua thấy không ai chịu nổi dù chỉ 1 giây. Nên mình phải hiểu cảnh giới của từng cá thể, thực thể để sống như vậy. Thậm chí phải sống thấp hơn nếu cần thiết. Vì qua đi xa quá rồi, đi xa quá rồi.
– Chỉ một mình anh đi xa thế, anh có cô đơn không?
– Thì qua đã nói rồi, phải cô độc thôi. Trong cõi vô cực, không ai có thể lựa chọn.
Đó là một lát cắt trong buổi nói chuyện giữa Đặng Lê Nguyên Vũ và tôi, khi tôi “nhây”, muốn đi tới cùng của những thắc mắc tầm thường của mình. Những lúc đó, Đặng Lê Nguyên Vũ lại nhắc nhở “người chị em cứ kéo qua xuống mãi”.
Thật ra thì Đặng Lê Nguyên Vũ chọn hay trời chọn anh thì hành trình bí ẩn và kì dị mà Vũ đã và đang đi vẫn luôn là một thế giới hoàn toàn xa lạ mà tôi càng tìm hiểu lại càng thấy mung lung.

Hầu hết các vật dụng ở “Nhà trên đồi” nói riêng và ở trang trại của Đặng Lê Nguyên Vũ nói chung đều sử dụng vật liệu thân thiện với thiên nhiên như gỗ, đá, lu sành đựng nước, rơm lợp mái, lối đi rải đá răm…

Nơi ít cảm giác cô đơn nhất ở trang trại của Đặng Lê Nguyên Vũ có lẽ là chuồng ngựa. Mỗi ngày chúng được cùng nhau tắm nắng thư giãn trong khoảng không gian rộng lớn, chan hoà nắng ấm…