Chiều 7.3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược T.Ư về phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Mở đầu buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, việc phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện có nhiều điểm nghẽn, nhiều mục tiêu chưa đạt được, cần rà soát lại xem vấn đề ở đâu, yêu cầu giải quyết, thực hiện như thế nào. Tổng Bí thư cũng gợi mở một số nội dung để các đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cho ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để kinh tế tư nhân phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc làm việc
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Chính sách, chiến lược T.Ư Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo, đề xuất các giải pháp chiến lược nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Theo đó, Ban Chính sách, chiến lược T.Ư cho rằng cần có những giải pháp vượt trội, có tính cách mạng, vừa giải quyết được hiệu quả những vấn đề đặt ra trước mắt, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ, lâu dài của kinh tế tư nhân nước ta trong thời gian tới.
Theo ông Trần Lưu Quang, các giải pháp cần được xây dựng và triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, toàn diện để tạo dựng môi trường chung thuận lợi, thông thoáng; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời cần có những giải pháp đột phá để sớm tháo gỡ những điểm nghẽn căn bản, kéo dài nhiều năm và chưa được xử lý hữu hiệu.
Sau khi nghe các ý kiến của các chuyên gia và đại diện của các bộ, ngành, Tổng Bí thư Tô Lâm cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo của Ban Chính sách, chiến lược T.Ư, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, hữu ích của các đại biểu, các chuyên gia kinh tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, kinh tế tư nhân nước ta đã có những bước phát triển và trưởng thành vượt bậc, đóng góp to lớn vào nền kinh tế và quá trình đổi mới, phát triển đất nước mặc dù trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, kinh tế tư nhân nước ta đông về số lượng nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế về quy mô, tiềm lực, năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh quốc tế; thiếu vắng doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; liên kết trong nội bộ và liên kết với các khu vực kinh tế khác còn yếu kém.

Trưởng ban Chính sách, chiến lược T.Ư Trần Lưu Quang báo cáo tại cuộc làm việc
Ngoài các doanh nghiệp tư nhân, lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể rất lớn, nhưng “không muốn lớn, không chịu lớn” bởi những ràng buộc, lo ngại về quy định, thủ tục.
Tổng Bí thư cũng nhìn nhận, sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ lớn… trong hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế.
Xóa các rào cản phát triển doanh nghiệp
Đánh giá cao các đề xuất giải pháp của Ban Chinh sách, chiến lược T.Ư, Tổng Bí thư nhấn mạnh, phải thay đổi được trong tư duy, nhận thức thì mới thay đổi được trong cách “ứng xử” và hành động, chính sách cụ thể đối với khu vực kinh tế quan trọng này. “Cần khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, nhất là cho tăng trưởng”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển của khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế, với không gian địa kinh tế, địa chính trị của đất nước và có tính tới những biến đổi của địa kinh tế, địa chính trị thế giới, nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân có đủ sức phát triển với khả năng thích ứng, khả năng chống chọi và khả năng cạnh tranh cao.

Tổng Bí thư yêu cầu xây dựng nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân
Cạnh đó, Tổng Bí thư lưu ý, cần tập trung nâng cao một bước cơ bản về hạ tầng và nhân lực phục vụ phát triển chung. Trong đó, hạ tầng bao gồm cả hạ tầng cứng như giao thông, đô thị, khu công nghiệp… và các hạ tầng về thông tin, số liệu, dữ liệu để phục vụ kết nối, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông minh, tạo điều kiện thuận lợi chung cho tất cả doanh nghiệp phát triển.
Kế đó, Tổng Bí thư cho rằng, điểm cốt yếu để tạo đột phá là tháo gỡ các điểm nghẽn về “thể chế”, nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản, trở lực đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thực hiện nhất quán quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm”.
Theo Tổng Bí thư, phải tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình quốc gia để thúc đẩy phát triển khu vực này. Trong đó, phải giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ nhanh chóng vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, cần phải tiếp tục đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đặc biệt là phải giải quyết được một cách căn bản, hữu hiệu những bất cập, yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng. Phải đưa các nghị quyết của Đảng nhanh chóng và thực sự đi vào cuộc sống.
Tổng Bí thư đề nghị Ban Chính sách, chiến lược T.Ư tích cực phối hợp với Đảng ủy Chính phủ và các cơ quan trong xây dựng nghị quyết về kinh tế tư nhân trình Bộ Chính trị ban hành.