Người trẻ cần gì để theo nghề trang trí tiệc cưới?

Nghề trang trí tiệc cưới không lo thất nghiệp

Dạo quanh một vòng nội ô TP.Cần Thơ, không khó để tìm thấy những tòa nhà, cửa hàng kinh doanh dịch vụ và dạy nghề trang trí tiệc cưới. Tại Công ty decor party Tây Đô (Q.Ninh Kiều), đầu năm cũng là thời điểm học viên đến học nghề đông đúc. Người học gồm các bạn trẻ, cả nam và nữ đều cho thấy sự hứng thú với công việc này.

 - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ thích thú khởi nghiệp với nghề trang trí tiệc cưới

Có sẵn tay nghề sơn ô tô, nhưng anh Nguyễn Văn Bảo (26 tuổi, H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vẫn quyết định chuyển sang học trang trí tiệc cưới vì thấy “tiềm năng hơn”. Lý do là nghề này ít rủi ro thất nghiệp, bởi hôn nhân là sự kiện diễn ra đều đều. Cho nên dù ở thành thị hay nông thôn, dịch vụ này đều có “đất sống”. Chưa kể, nhiều cặp đôi vẫn hay suy nghĩ cưới hỏi là chuyện trọng đại, “đời người chỉ có 1 lần”, nên sẵn sàng đầu tư, chăm chút về mặt hình thức.

Dù vậy, theo anh Bảo, trang trí tiệc cưới là một nghề đòi hỏi nhiều kỹ năng. Bởi nó liên quan đến gu thẩm mỹ, làm đẹp cho bàn gia tiên, sân khấu, cổng hoa… “Đã dấn thân vào nghề này thì phải biết cắm hoa, điêu khắc (cắt chữ, khắc chi tiết trái cây mâm ngũ quả), sử dụng điện (đi đèn led, hàn sắt), lắp mô hình (làm chim công, rồng, phượng bằng nhựa, xốp, trái cây..), may vá (cắt, xếp li vải trang trí hậu cảnh)… Do đó, những ai có đôi tay khéo léo là một lợi thế lớn khi theo đuổi công việc này”, anh Bảo chia sẻ.

 - Ảnh 2.

Nghề đòi hỏi sự am hiểu nhất định về văn hóa, lễ nghi, phong tục xưa nay

Trong khi đó, chị Lê Thị Kim Xuyến (26 tuổi, H.Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho biết trang trí tiệc cưới đang là một nghề “hot”, đồng nghĩa với tính cạnh tranh cũng rất cao. Vì vậy, dù nhà cho thuê rạp cưới, chị vẫn đi học thêm để nâng cấp tay nghề. Chị Xuyến nói: “Trước đây, đám cưới ở vùng quê khá đơn giản, thường chú trọng rạp cưới, ít quan tâm trang trí trong nhà. Song, xã hội bây giờ phát triển, nhiều cặp đôi muốn đám cưới mình đẹp từ trong ra ngoài. Ở quê không đáp ứng được thì họ sẽ thuê nơi khác, chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn. Vì vậy, tôi đi học nghề để có thể linh hoạt thiết kế mẫu mã tiệc cưới theo sở thích của khách hàng”.

Sau một khoảng thời gian học tập, chị Xuyến cho rằng, không chỉ cần đam mê và sự khéo léo, nghề trang trí tiệc cưới giống như ‘làm dâu trăm họ’ còn đòi hỏi sự am hiểu về văn hóa truyền thống, lễ nghi, phong tục xưa nay và từng vùng địa lý. Chẳng hạn, với những gia đình có tín ngưỡng khác nhau, hình thức cắm hoa cũng sẽ có những lưu ý, điều “kiêng kỵ” riêng. Với những cặp dâu rể, việc tư vấn màu sắc chủ đạo trong tiệc cưới không chỉ đẹp mà còn phải hợp tuổi tác, phong thủy.

Áp lực nhưng thu nhập hấp dẫn

Anh Nguyễn Nhựt Trường (29 tuổi), Giám đốc Công ty decor party Tây Đô, cho biết trước đây do có đam mê, anh theo học ngành trang trí sự kiện (tiệc cưới, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, kỷ niệm…). Điều anh thích nhất ở công việc này là sự chỉn chu, tỉ mỉ trong từng chi tiết, bố cục. Làm thế nào để sản phẩm hoàn thành được đánh giá cao, được mọi người yêu thích… Anh Trường cũng chia sẻ, những ngày đầu mới ra nghề, anh hoạt động độc lập, sau này, dần tích tũy lập được công ty rồi mở lớp dạy nghề…

 - Ảnh 3.

Bàn gia tiên được trang trí đẹp mắt

Theo anh Trường, hiện nay có nhiều bạn trẻ chọn theo học nghề trang trí tiệc cưới, bởi nếu làm tốt, ngành này có thể mang đến nguồn thu nhập khấm khá. Khi mát tay, một tháng có thể nhận 20-30 sự kiện. Có những tiệc cô dâu chú rể rất tâm huyết, bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng cho việc trang trí. Với trường hợp của anh, nếu trừ hết chi phí, thu nhập trung bình một sự kiện dao động từ một 1-3 triệu đồng. Một tháng có thể bỏ túi vài chục triệu đồng.

Tuy thu nhập hấp dẫn và là nghề truyền thống, nhưng nghề cũng này rất dễ bị thụt lùi nếu không chủ động cập nhật những xu hướng, trào lưu mới. Anh Trường bộc bạch: “Chẳng hạn, trước đây vải phông nền được ưa chuộng nhất là bằng lụa, phi bóng. Nhưng từ cuối năm 2024 đầu năm 2025, vải nhung lên ngôi nên mình phải thay đổi. Gần nhất là nhiều dâu rể muốn sử dụng hình ảnh baby three, cổng cưới hình chiếc nơ khổng lồ cho hợp thời hay những ý tưởng dễ thương, năng động, gần gũi thiên nhiên. Ngoài nhanh nhạy bắt trend, người làm trang trí tiệc cưới còn cần phải suy nghĩ, sáng tạo ra những concept mới mẻ để khách hàng nhớ tới mình”.

 - Ảnh 4.

Học viên phải vững nhiều kỹ năng mới có thể làm theo yêu cầu của khách hàng

Cũng theo anh Trường, người theo nghề trang trí tiệc cưới còn phải chịu được áp lực chạy đua với thời gian. Bởi, đa phần tiệc cưới sẽ rơi vào những ngày tốt, diễn ra cùng một lúc nên bị trùng nhau. “Có tiệc gia chủ yêu cầu trang trí bằng hoa thật, nếu làm trước thì không giữ được độ tươi nên buộc phải làm xuyên đêm để sáng bàn giao sớm. Áp lực nhất là nhận những show trong nhà hàng, thời gian chuyển tiếp giữa 2 tiệc chỉ cách nhau có 1-2 giờ đồng hồ. Những trường hợp như vậy thì phải có nhiều nhân sự hỗ, nên tinh thần làm việc nhóm trong nghề này cũng cực kỳ quan trọng”, anh Trường chia sẻ thêm.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *