Ông ngoại tôi là bộ đội, sau ngày đất nước thống nhất, ông đã đưa cả gia đình gồm ông bà và 3 người con vào miền Nam lập nghiệp, đó là năm 1989. Ngày đó, chỉ có mẹ tôi là ở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn bởi khi ấy mẹ đã có gia đình cùng 3 con nhỏ.
Ấy vậy mà phải cho tới năm 1995, sau 6 năm ông ngoại đưa cả gia đình vào tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), cậu của tôi đã từ miền Nam ra đón mẹ và tôi vào thăm nhà ngoại. Khỏi phải nói, với một đứa trẻ mới lên 12 tuổi, đây là chuyến đi đầy háo hức, bởi là chuyến đi xa nhất đầu đời mình.
Ngày đầu điện thắp sáng căn nhà cổ tích của ngoại
Nhà ngoại chỉ là căn nhà gỗ đơn sơ mộc mạc. Ngoại dẫn tôi đi xem những vườn cao su, vườn điều và được hít hà hương cà phê với những bông hoa trắng muốt. Với nụ cười hiền hậu, ngoại nói: “Đây sẽ là quê hương thứ hai của con, bởi bà con nơi đây sống tình cảm và chan hòa lắm”. Rồi ngoại đưa tôi sang nhà bác Quang hàng xóm có cái máy nổ rất to. Trong mắt tôi, nhà bác ấy thật “giàu”, vì có cái máy nổ ấy mà mỗi buổi tối bác đã cho nhà ngoại “dùng ké” điện. Đó là thứ ánh sáng diệu kỳ được “thắp” nên từ sự chan hòa, tình làng nghĩa xóm thật sự như một câu chuyện cổ tích.
Để rồi, cứ tối tối câu chuyện của cả nhà càng trở nên rôm rả đầy hân hoan hơn khi các thông tin điện lưới quốc gia chuẩn bị về ấp. Cậu tôi đã tưởng tượng việc cố gắng mua một chiếc ti vi giống với những gia đình trên thành phố. Cậu còn dẫn tôi đi chợ và không quên mua trước những chiếc bóng điện tròn, cả những bóng tuýp điện trắng dài. Vừa mua cậu vừa kể với bác bán bóng đèn rằng “ấp của em chuẩn bị có điện, một vài ngày tới thôi” bằng ánh mắt sáng ngời chứa chan niềm tin sự hi vọng.

Hình ảnh những chú thợ điện kéo những đường dây cuối cùng trong công đoạn hoàn tất hòa lưới điện quốc gia tại Bình Phước ngày ấy thật khó quên
ẢNH: ĐIỆN LỰC BÌNH PHƯỚC
Vào buổi sớm mùa hè năm 1995, chính vùng quê hẻo lánh ở miền Nam này, đã cho tôi biết bao ký ức tươi đẹp về điện. Hình ảnh những chú thợ điện kéo những đường dây cuối cùng trong công đoạn hoàn tất hòa lưới điện quốc gia tại Bình Phước ngày ấy thật khó quên. Ngày trọng đại ấy đã tới, ánh sáng của dòng điện lưới Bắc – Nam đã thắp lên niềm tin yêu, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình, bà con thôn xóm ấp Thái Dũng – nơi có gia đình tôi ngoại tôi sinh sống. Thứ ánh sáng lung linh, diệu kỳ tỏa ra khắp ngõ ngách của ngôi nhà khiến căn nhà ngoại thật đẹp. Trong niềm vui ấy, tôi nói với mẹ ước gì nhà mình ở ngoài vùng đất Tây Bắc xa xôi kia cũng sẽ có điện như nhà ngoại; để mấy chị em tôi tối đến học bài không phải ngồi trước ngọn đèn dầu leo lét. Và cũng không phải tranh thủ ăn cơm thật sớm nơi sân nhà nhờ ánh sáng của ráng chiều chạng vạng…
… Đến một TP.HCM lung linh huyền ảo
Phải tới 18 năm sau ngày “có điện” ở Bình Phước, tôi mới có dịp đặt chân tới thành phố mang tên Bác và cùng cả gia đình về thăm lại Bình Phước. Có lẽ, trong ký ức non nớt của cô bé 12 tuổi là tôi ngày xưa ấy tôi chỉ được ghé TP.HCM bằng chuyến xe khách Bắc – Nam chạy ngang qua thành phố chứ nào đã có dịp được đặt chân tới nơi phồn hoa phát triển bậc nhất cả nước này. TP.HCM đón gia đình tôi bằng ánh nắng vàng ươm như rót mật. Một không khí đầy sôi động hiện ra thật choáng ngợp, xứng đáng với danh xưng “phồn hoa đô hội” nhất Việt Nam. Đó cũng một phần nhờ vào những ánh đèn điện hắt ra từ những tòa nhà, những cột đèn cao áp hay xa hơn là những cột đèn nhiều màu sắc.
Sự phát triển của thành phố khi ấy không thể không kể đến những đóng góp của ngành điện miền Nam. Nhờ có ánh sáng của dòng điện mà TP.HCM như khoác lên mình tấm áo nhiệm màu, của sự phát triển không ngừng, của nếp sống văn minh, hiện đại. Ánh sáng của đèn điện còn giúp “soi tỏ” tình cảm của những người dân TP.HCM đối với những phận đời bất hạnh, để tôi được cảm nhận ánh mắt của sự hàm ơn, hạnh phúc. Ánh sáng của dòng điện đã góp phần làm nên một TP.HCM “trẻ mãi không già” như lời của nhà văn Minh Hương đã từng khẳng định “Sài Gòn vẫn trẻ – Tôi thì đương già”…
Rời mảnh đất Sài Gòn hơn 300 tuổi với những thứ ánh sáng diệu kỳ của sự văn minh, hiện đại, Bình Phước của 18 năm sau đón cả nhà tôi bằng sự phát triển không ngừng nghỉ. Khác hẳn một Bình Phước của những năm tôi còn nhỏ. Nhờ có điện lưới quốc gia mà những nhà máy, những khu công nghiệp đã được dựng xây mang lại sự đổi mới cho toàn tỉnh. Nhờ có điện mà cuộc sống của người dân nơi quê hương thứ hai của gia đình tôi bước sang một trang mới. Sự văn minh, hiện đại đã len lỏi vào từng ngõ ngách của mọi gia đình, vào cuộc sống, vào sản xuất và nhờ có những nhà máy với những dây chuyền sản xuất hiện đại được vận hành nhờ dòng điện quốc gia đã khoác lên Bình Phước tấm áo của sự phát triển không ngừng nghỉ.
Kỷ niệm 50 năm ngành điện miền Nam cũng là 50 năm đất nước thống nhất, Bình Phước tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc, trở thành ngôi sao đang lên của đất nước. Và tôi có niềm tin sắt đá rằng Bình Phước sẽ còn phát triển hơn nữa, trở thành điểm sáng về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam bộ nhờ sự đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, mở rộng các khu công nghiệp.
“Chắp cánh” cho sự phát triển ấy không thể không nhắc tới sự đóng góp không nhỏ của ngành Điện miền Nam.
Cuộc thi viết “50 năm thắp sáng niềm tin” có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
– Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
– Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.