Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM

Trong khó khăn lại càng hăng hái

Diễn đàn “Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức ngày 23.3, diễn ra trong vòng chưa đến 2 giờ, nhưng đã như thước phim ngắn thu lại sự phát triển của TP trong suốt 50 năm qua dưới góc nhìn của người trẻ.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM - Ảnh 1.

Thanh niên TP.HCM qua nhiều thế hệ đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP trong 50 năm qua

Ngày 30.4.1975, đại thắng mùa xuân lịch sử đã thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới cho dân tộc. Sài Gòn – Gia Định sau những năm tháng chiến tranh, đã vươn mình đón bình minh của hòa bình, chính thức mang tên TP.HCM. Sau ngày thống nhất, TP đứng trước muôn vàn khó khăn. Nhưng cũng chính trong gian khó ấy, lớp lớp thanh niên TP đã tiên phong trong các phong trào thanh niên xung kích, các đội trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa, các phong trào thi đua lao động, sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước kiến thiết lại TP.

Tại diễn đàn, các bạn trẻ được gặp gỡ cô Trần Thị Trúc Chi, nguyên Giám đốc Nhà thiếu nhi TP.HCM. Trước 1975, cô là một trong những nữ tù Côn Đảo trẻ tuổi (bị bắt năm 16 tuổi). Trong suốt 3 năm (1972 – 1974) bị giam ở Côn Đảo, cô luôn kiên cường đấu tranh chống lại sự giam cầm hà khắc, đòi cải thiện chế độ ăn cho tù nhân.

Cô Chi kể lại những ngày đầu thống nhất phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thanh thiếu nhi của TP vẫn rất hăng hái tham gia các phong trào do Thành đoàn phát động.

“Còn nhớ khi có phong trào “Bình dân học vụ”, cũng là lúc những cô giáo khăn quàng đỏ ra đời. Vô cùng dễ thương khi những học sinh THCS ban ngày mang khăn quàng đỏ đến trường thì tối đến vẫn với chiếc khăn quàng đỏ trên cổ áo tham gia dạy chữ cho cô, bác lớn tuổi”, cô Chi nhớ lại.

Cô Chi cũng cho biết phong trào “Kế hoạch nhỏ” để xây dựng đoàn tàu Thống nhất (đường xe lửa đi từ thủ đô Hà Nội vào TP.HCM) ngày đó đến bây giờ vẫn là hình mẫu cho phong trào thiếu nhi. Để thực hiện phong trào, các em tiết kiệm bằng nhiều cách, như gom giấy, chai lọ… rồi cân bán để đóng góp vào quỹ. Ở các huyện vùng ven như Củ Chi, các em nuôi bò, trâu, gà để làm kế hoạch nhỏ. Khi TP tổ chức Hội chợ Kế hoạch nhỏ, các em mang bò, trâu… đến cột ở nhà thiếu nhi để đóng góp. Kể đến đây, cô Chi cười tươi đầy tự hào và nói: “Dù là kế hoạch nhỏ nhưng rất vui và phong phú. Phong trào vừa giáo dục tinh thần tiết kiệm, vừa giáo dục tinh thần yêu nước và cống hiến, phục vụ đất nước”.

Vai trò xung kích của thanh niên rất quan trọng với đất nước

Ông Lâm Văn Tiếp, nguyên Phó ban Tổ chức Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn TP.HCM những năm 1980, cho biết từ năm 1986, đất nước bước vào công cuộc đổi mới, Thành đoàn và thanh niên TP.HCM đã thể hiện rõ vai trò xung kích thông qua rất nhiều phong trào thiết thực.

Ông Tiếp kể thời điểm đó, hàng loạt phong trào về sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư trẻ, công dân trẻ có trình độ tay nghề cao đã giúp sản xuất được phục hồi. Tất cả máy móc đã đóng kho, từ lâu không còn sử dụng cũng được các bạn trẻ mang ra để sửa chữa lại phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất.

Đoàn thanh niên đóng vai trò quan trọng trong 50 năm phát triển TP.HCM - Ảnh 2.

Doanh nhân trẻ Lê Anh Tiến giới thiệu về công nghệ chatbot mà anh đang góp phần vào phong trào “Bình dân học vụ số”

“Các phong trào của Thành đoàn phát động đều được thanh niên TP hưởng ứng hăng hái. Cho nên các mặt trận về sản xuất, kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp… cũng đều nhờ thế mà phát triển”, ông Tiếp khẳng định.

Ông Tiếp cũng kể khi Đoàn thanh niên khảo sát một số hợp tác xã ở phường, xã thời đó, nhận thấy thực trạng hợp tác xã mua được cái gì thì bán cái đó nên nguồn thực phẩm không đáp ứng. Ngay lập tức, Thành đoàn phát động phong trào để đội thanh niên xung kích của các hợp tác xã ở phường phải làm sao mua được đầy đủ các loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu bữa ăn không còn thiếu trước hụt sau của người dân…

Kể như vậy để ông Tiếp khẳng định Đoàn thanh niên luôn có những sáng kiến phù hợp và giải quyết được bài toán của thực tiễn. Chỉ vào ngọn đèn dầu được đặt tại diễn đàn, ông cho biết dưới ngọn đèn dầu này, thanh niên ngày đó đan từng tấm màn, tấm lưới… để làm thế nào có thật nhiều sản phẩm chất lượng vừa phục vụ cho xuất khẩu của đất nước, vừa mang về thu nhập cho hợp tác xã, cũng như những người lao động, công nhân…

Ông Tiếp nhấn mạnh: “Thanh niên là lực lượng xung kích của cách mạng, đây là chân lý đã có từ xa xưa. Từ các vị tiền bối như Mác, Lênin, lãnh tụ Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo sau này của đất nước đều khẳng định điều đó. Vai trò xung kích của thanh niên rất quan trọng với đất nước. Và dù ở thời nào, tinh thần xung kích ấy đã vượt qua mọi khó khăn. Tuổi trẻ có công rất lớn trong việc xung kích thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng giao phó cho Đoàn và cho thanh thiếu niên trong suốt 50 năm qua”.

Quyết tâm cùng đất nước vươn mình vào kỷ nguyên mới

Bước vào giai đoạn mới, thanh niên TP mang trong mình khát vọng lớn hơn: khát vọng sáng tạo, làm chủ công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới để đưa đất nước, TP vươn tầm khu vực và thế giới.

Tại diễn đàn, PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ TP.HCM – Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM, kể về những nghiên cứu của mình cùng với các nhà khoa học trẻ TP như là minh chứng cho sự đóng góp không ngừng nghỉ cùng TP vươn mình.

Anh Bình cho biết hiện nay anh quan tâm về các lĩnh vực như sức khỏe, môi trường và nông nghiệp. Trong lĩnh vực về sức khỏe, anh cùng một số nhóm nghiên cứu trẻ ở ĐH Quốc gia, phối hợp với các chuyên gia ở Thụy Sĩ đang nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào điều trị ung thư, chẩn đoán những bệnh liên quan đến chứng Alzheimer phổ biến ở người già… Các nghiên cứu nhằm đưa ra cảnh báo sớm, hướng dẫn bác sĩ phác đồ điều trị phù hợp.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay phòng thí nghiệm của anh tại ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã phối hợp một số tỉnh ĐBSCL để nghiên cứu đưa ra những cách thức áp dụng công nghệ mới như AI vào sản xuất nông nghiệp.

“Năm nay, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ rất may mắn khi được Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM trao cơ hội trợ giúp thanh niên TP trong phong trào “Bình dân học vụ số”. Nhóm rất mong muốn truyền đạt những kiến thức thực tiễn của mình để giúp ích cộng đồng trong kỷ nguyên vươn mình cùng khoa học công nghệ”, anh Bình chia sẻ.

Doanh nhân Lê Anh Tiến, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019, cũng đã có nhiều chia sẻ thú vị tại diễn đàn. Anh từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty công nghệ Chatbot Việt Nam được định giá triệu USD, có mặt ở 3 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Philippines với hơn 10 triệu người dùng.

Để có được “quả ngọt” ngày hôm nay, anh Tiến kể: “Mình luôn quan niệm khi làm việc gì thì không cần phải suy nghĩ đến những gì quá lớn lao mà bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Chỉ cần những ý tưởng nhỏ, từ đó tự triển khai, tự kiểm tra kết quả, sẽ tạo nên những tiền đề lớn hơn. Chính từ việc các bạn kiên trì với những ý tưởng và sản phẩm đó sẽ là chất xúc tác rất mạnh, đóng góp giúp TP chuyển mình, vươn mình đổi mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ”.

Đặc biệt anh Tiến đã tạo ra một ứng dụng chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 5 phút dưới sự chứng kiến của mọi người. Anh nói: “Đây là cách mình triển khai để đóng góp vào phong trào “Bình dân học vụ số” hiện nay. Công nghệ này mình đã phát triển từ năm 2017, số hóa và tạo ra những chatbot AI thông minh. Trước đây để tạo ra những ứng dụng này rất phức tạp, nhưng hiện nay thì vô cùng đơn giản. Mình mong muốn dựa vào công nghệ này, phổ biến cho những cô bán hủ tiếu, cà phê… có thể tạo ra những con AI trợ lý riêng cho họ”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *