Đề xuất này được ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nêu tại buổi làm việc chiều 5.3 với đoàn công tác do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được làm trưởng đoàn nhằm sớm hoàn thiện hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ông Tùng cho biết tổng nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thiện khu đô thị mới Thủ Thiêm khoảng 35.750 tỉ đồng, trong đó có 15 dự án phát triển hạ tầng cần khoảng 9.300 tỉ đồng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ, UBND TP.Thủ Đức đề xuất áp dụng theo phương thức đối tác công tư, áp dụng loại hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) thanh toán bằng tiền.
Trong đó, ông Tùng đề xuất thí điểm áp dụng cho dự án xây dựng quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án này rộng hơn 21 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 1.793 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp tìm hiểu quy hoạch chung TP.Thủ Đức để tìm kiếm cơ hội đầu tư
Ưu điểm của phương thức này là phương án tài chính minh bạch, thuận tiện trong công tác đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án áp dụng loại hợp đồng BT được quy định cụ thể, rõ ràng, thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, thời gian thực hiện dự án dự kiến sẽ nhanh hơn so với phương thức đầu tư công vì nhà đầu tư sẽ tập trung đẩy nhanh dự án nhằm đảm bảo tiến độ thanh toán. Ông Tùng dẫn chứng dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 hoàn thành sớm 6 tháng, tiết kiệm gần 50 tỉ tiền lãi, giảm tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng so với dự toán tại thời điểm năm 2013.
Nhiều dự án ở Thủ Thiêm theo hình thức đối tác công tư
Đối với đề xuất này, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Phạm Trung Kiên cho biết trước đây đã có chủ trương thực hiện theo hình thức BT rồi, nhưng đến năm 2019 khi luật Đầu tư theo phương thức đối tác công (PPP) tư ra đời, bỏ hình thức BT nên dự án phải dừng lại.
Vừa qua, Quốc hội đã sửa luật, cho phép áp dụng lại hình thức BT, bao gồm thanh toán bằng đất và thanh toán bằng tiền. Ông Kiên cho rằng các dự án đầu tư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm cần tính đến hiệu quả sử dụng đất, nhất là khai thác không gian ngầm, chức năng giữ xe, thương mại dịch vụ…
“Khu quảng trường trung tâm sau này có giá trị rất lớn về chức năng sử dụng, cảnh quan, kinh tế nên nếu được thì nghiên cứu tổng thể cả phần ngầm và trên mặt đất để mời gọi đầu tư”, ông Kiên nhận định. Phó giám đốc Sở Tài chính lo ngại nếu thực hiện theo hình thức BT, nhà đầu tư chỉ xây dựng phần nổi, sau này thành phố tiếp tục làm phần ngầm thì không mang lại giá trị lâu dài.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được giao Sở Tài chính hỗ trợ TP.Thủ Đức triển khai nhanh việc đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm
Ông Kiên cho biết thêm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có nhiều dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức BT hoặc BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) như cầu Thủ Thiêm 3, cầu Thủ Thiêm 4 và 4 cây cầu nội bộ bên trong khu đô thị.
Qua thống kê, TP.Thủ Đức có hơn 130 dự án tồn đọng nên ông Kiên đề nghị TP.Thủ Đức phối hợp các sở ngành để giải quyết dứt điểm, sớm đưa vào hoạt động.
Trao đổi thêm, ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quy định hiện hành đã cho phép áp dụng, quan trọng là chọn dự án nào để mang lại hiệu quả nhất nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là bán đảo Thủ Thiêm. Ông Được giao Sở Tài chính làm việc với TP.Thủ Đức để hỗ trợ địa phương trong việc này.