Bộ Y tế thông tin việc quản lý kinh doanh thực phẩm chức năng

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trước đó, cử tri TP.HCM đề nghị Bộ Y tế tiếp tục có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn việc kinh doanh thực phẩm chức năng.

Theo người đứng đầu ngành y tế Việt Nam, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý thực phẩm chức năng tương đối đầy đủ từ khâu sản xuất, đăng ký bản công bố và tự công bố, ghi nhãn, quảng cáo, kinh doanh.

Bộ Y tế thông tin việc quản lý kinh doanh thực phẩm chức năng- Ảnh 1.

Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp phải thực hiện hải quảng cáo đúng với nội dung đã được xác nhận

Theo đó, thực phẩm chức năng được quy định 4 nhóm: Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. 

Thực phẩm chức năng phải được đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Bộ Y tế cũng quy định điều kiện sản xuất, chất lượng và quảng cáo thực phẩm chức năng. 

Riêng đối với quảng cáo, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt phải đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi quảng cáo và phải quảng cáo đúng với nội dung đã được xác nhận.

Đối với thực phẩm bổ sung được tự quảng cáo và nộp nội dung tự quảng cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với bản chất, tính năng của sản phẩm đã tự công bố.

Để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường, Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm thuộc Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia. 

Ngoài ra, Bộ Y tế hằng năm còn ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan liên quan, các phương tăng cường lấy mẫu giám sát và cảnh báo; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; xử lý nghiêm và công khai thông tin vi phạm.

Bộ Y tế còn phối hợp với các Bộ Công an, cơ quan quản lý thị trường của Bộ Công thương để kiểm soát các sản phẩm lưu thông trên thị trường…

Đặc biệt, Bộ Y tế và cơ quan liên quan tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát các sản phẩm thực phẩm chức năng kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh trên các ứng dụng. 

Từ đó phát hiện các sản phẩm thực phẩm chức năng chưa được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc chưa thực hiện tự công bố…

Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về an toàn thực phẩm (sửa đổi luật An toàn thực phẩm 2010 và nghị định hướng dẫn). 

Theo đó, sẽ sửa theo hướng đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tăng cường hậu kiểm để nâng cao chất lượng. Kiểm soát tính năng, công dụng, đảm bảo đúng bản chất sản phầm, tránh quảng cáo quá mức công dụng sản phầm.

Từ năm 2022 đến nay, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 87 cơ sở liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm với số tiền gần 17 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã xử phạt 20.881 cơ sở với số tiền phạt hơn 123 tỉ đồng.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *