Ứng dụng mang tên ACNE10. Đây là công cụ ứng dụng AI để nhận diện 12 loại mụn trứng cá khác nhau, được phát triển dưới sự đồng hành chuyên môn của các bác sĩ từ Bệnh viện nhân dân Gia Định và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM).
Hướng dẫn các bạn sử dụng ứng dụng, Phạm Lê Đức Thịnh, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM), kể rằng thời trung học, Thịnh từng rất khổ sở vì mụn trứng cá. Những nốt mụn dày đặc trên mặt khiến Thịnh mất tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
“Mình đã thử đủ cách, từ nghe lời khuyên của bạn bè, người thân đến tìm kiếm mẹo trên mạng, nhưng tình trạng không những không cải thiện mà còn tệ hơn. Lúc đó, mình không có điều kiện đến các phòng khám da liễu chuyên nghiệp, một phần vì thiếu thông tin, phần khác do hoàn cảnh gia đình và tâm lý e ngại. Mình nghĩ đơn giản rằng chỉ cần ra tiệm thuốc mua kem trị mụn là đủ, mà không hề biết mụn có nhiều loại khác nhau”, Thịnh nhớ lại.

Thịnh hướng dẫn sử dụng ứng dụng chẩn đoán mụn trứng cá
Thịnh cho rằng trải nghiệm của bạn không phải là cá biệt. Nhiều bạn trẻ, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ thiếu tiếp cận với thông tin y tế đáng tin cậy, không có điều kiện thăm khám tại các cơ sở da liễu uy tín và thường tự mình “chiến đấu” với mụn bằng những phương pháp dân gian hoặc sản phẩm quảng cáo không rõ nguồn gốc. Kết quả là không ít trường hợp da bị tổn thương nghiêm trọng, để lại hậu quả lâu dài cả về sức khỏe lẫn tâm lý.
“Mãi khi được gia đình đưa đi khám tại một phòng khám da liễu chuyên sâu, mình mới hiểu rằng mỗi người cần một phác đồ điều trị riêng, dựa trên loại mụn, loại da và mức độ viêm. Khoảnh khắc đó khiến mình trăn trở rằng phải làm sao để những người không có điều kiện như mình trước đây cũng có thể tiếp cận chẩn đoán chính xác”, Thịnh chia sẻ. Từ đó, ý tưởng về một ứng dụng AI chẩn đoán mụn trứng cá ra đời.
Cùng với Đỗ Anh Kiệt, Nguyễn Hồ Sa Chi và Nguyễn Phúc Khang (cùng đến từ Trung tâm nghiên cứu AIoT Lab VN, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM), Thịnh bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng. Nhóm đã tận dụng kiến thức công nghệ từ giảng đường để phát triển ACNE10. Đây là ứng dụng có khả năng nhận diện 12 loại mụn trứng cá phổ biến.
Thịnh nói rằng nổi bật của ACNE10 nằm ở sự thân thiện với người dùng, kết hợp cùng công nghệ AI tiên tiến. Người dùng chỉ cần chụp ảnh khuôn mặt hoặc chọn một bức ảnh có sẵn trên điện thoại. Hệ thống sẽ phân tích hình ảnh, xác định loại mụn và đưa ra gợi ý về hoạt chất điều trị phù hợp với từng tình trạng da. Đối với các trường hợp nghiêm trọng, ứng dụng khuyến nghị người dùng đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám chuyên sâu.
Đặc biệt, ACNE10 hoạt động trên nền tảng Zalo Mini App, không yêu cầu tải thêm phần mềm, giúp người dùng ở mọi lứa tuổi dễ dàng tiếp cận. “Chúng mình muốn bất kỳ ai có điện thoại thông minh và internet đều có thể sử dụng được”, Thịnh bày tỏ.
Với Thịnh, ACNE10 không chỉ là công cụ chẩn đoán mà còn là một “trợ lý da liễu” thông minh, giúp người trẻ hiểu rõ hơn về làn da và tự tin trong hành trình chăm sóc bản thân.
Trong chương trình, ứng dụng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về tính thiết thực và hiệu quả. Không ít bạn trẻ phải trầm trồ khi trải nghiệm sản phẩm.

Đây còn là ứng dụng hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán nhanh chóng và chính xác các loại mụn trứng cá, giảm bớt áp lực công việc, đồng thời cung cấp thông tin để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân
Nguyễn Phúc Khang (thành viên trong nhóm) tiết lộ rằng việc đảm bảo độ chính xác của thuật toán là thử thách lớn nhất.
“Có lần thử nghiệm, hệ thống nhầm lẫn giữa mụn và các vật thể như nốt ruồi, vết thương hay khuyên tai. Ánh sáng không ổn định và môi trường xung quanh cũng gây nhiễu kết quả. Thay vì nản chí, chúng mình xem đó là cơ hội để cải thiện”, Khang kể. Nhóm đã miệt mài tinh chỉnh thuật toán, tập trung vào phân biệt sắc tố da, loại bỏ yếu tố gây nhiễu và nâng cao chất lượng phân tích hình ảnh.
Nhờ nỗ lực không ngừng, ACNE10 giờ đây có thể nhận diện mụn chính xác trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, mang lại giá trị thực tiễn cho người dùng. Nhóm cũng lên kế hoạch mở rộng tập dữ liệu để cải thiện hiệu suất, đặc biệt với ảnh chụp từ điện thoại có độ phân giải thấp hoặc bị mờ, nhằm tối ưu trải nghiệm trong thực tế.

Thịnh và Khang cùng nhóm nghiên cứu mong rằng ACNE10 không chỉ dừng lại ở việc chẩn đoán mụn trứng cá, mà còn trở thành một công cụ toàn diện, hỗ trợ chăm sóc da liễu khoa học
Tiến sĩ Lê Duy Tân, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, nhận xét rằng thành công của các sản phẩm AI như ACNE10 nằm ở giá trị thực tế mà nó mang lại cho sức khỏe cộng đồng.
Theo tiến sĩ Tân, y tế là lĩnh vực luôn thay đổi, đòi hỏi sự cập nhật liên tục và kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với chuyên môn sâu rộng. “Phát triển công nghệ thôi chưa đủ. Các giải pháp cần tạo ra thay đổi tích cực, bền vững và mang lại lợi ích thiết thực cho người dùng”, tiến sĩ Tân nói.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục bổ sung dữ liệu hình ảnh và áp dụng các kỹ thuật xử lý ảnh tiên tiến để nâng cao độ chính xác của ACNE10. Mục tiêu là giảm thiểu tối đa sai sót, mang đến trải nghiệm tối ưu cho người dùng, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc da trong cộng đồng.