Bộ Công an mới đây ban hành hướng dẫn việc thực hiện bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra ở công an cấp xã; và tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo về tội phạm của công an cấp xã.
Bổ nhiệm phải thực chất, tránh tràn lan, chạy theo chỉ tiêu
Hướng dẫn của Bộ Công an nêu rõ, bổ nhiệm hoặc bố trí điều tra viên thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh đối với trưởng công an cấp xã. Nếu trưởng công an cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm điều tra viên thì bổ nhiệm chức danh hoặc bố trí điều tra viên với phó trưởng công an cấp xã phụ trách về phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, có thể bổ nhiệm chức danh hoặc bố trí điều tra viên với cán bộ thuộc tổ cảnh sát phòng, chống tội phạm hoặc cán bộ trực tiếp kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tội phạm ở công an cấp xã.

Lực lượng công an xã lấy lời khai đối tượng vận chuyển pháo nổ trái phép
ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP
Bộ Công an nhấn mạnh, việc bổ nhiệm chức danh điều tra viên ở công an cấp xã cần thực chất, tránh tràn lan, chạy theo chỉ tiêu.
Điều tra viên ở công an cấp xã có nhiệm vụ thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh khi đủ các điều kiện như: người bị tố giác có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; sự việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng; xảy ra trên địa bàn thuộc công an cấp xã quản lý.
Đồng thời, điều tra viên ở công an cấp xã sẽ thụ lý điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh nếu vụ án hình sự được khởi tố từ tố giác, tin báo về tội phạm mà điều tra viên bố trí ở công an cấp xã được phân công thụ lý, giải quyết.
Vụ án hình sự phải bảo đảm đủ các điều kiện: đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội; phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng; xảy ra trên địa bàn thuộc công an cấp xã quản lý.
Mỗi công an cấp xã có ít nhất 1 điều tra viên đủ năng lực
Vẫn theo hướng dẫn của Bộ Công an, điều tra viên bố trí ở công an cấp xã sẽ do văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh quản lý.
Điều tra viên, cán bộ điều tra thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh bố trí ở công an cấp xã là kiêm nhiệm, biên chế cán bộ thuộc công an cấp xã. Các cán bộ này được giữ các chức danh, ngạch, bậc khác như trinh sát viên, cảnh sát viên; được hưởng chế độ, chính sách với chức danh, ngạch, bậc cao nhất.
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu giám đốc công an cấp tỉnh chủ động rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để bố trí nơi làm việc; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ; tăng cường công tác bồi dưỡng, hướng dẫn thông qua hình thức “cầm tay, chi việc” để nâng cao trình độ, năng lực của điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí ở công an cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Rà soát đội ngũ cán bộ để tổ chức, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm mỗi công an cấp xã có ít nhất 1 điều tra viên đủ năng lực độc lập thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án hình sự.
Đồng thời, rà soát đội ngũ điều tra viên đã bố trí ở công an cấp xã là trưởng, phó trưởng công an cấp xã để đánh giá năng lực điều tra hình sự. Nếu không bảo đảm về năng lực điều tra theo yêu cầu thì điều động sang vị trí công tác khác, lựa chọn điều tra viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực để thay thế.
Từ 1.3, ngành công an giải thể 694 đơn vị công an cấp huyện, chỉ còn 3 cấp là bộ – tỉnh – xã. Song song, ngành công an tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước từ các bộ, ngành khác, gồm: an toàn thông tin mạng; bảo đảm an ninh hàng không; cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện; sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; lý lịch tư pháp và thực hiện dịch vụ công cấp phiếu lý lịch tư pháp.